
Từ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, ổn định của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố (DDIF), nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ và mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng, từ đầu năm 2023, Công ty CP Cảng Đà Nẵng đã hoàn thành và đưa vào vận hành 04 cẩu khung bánh lốp (ERTG) tại Cảng Tiên Sa.
Đây là một trong các dự án của Công ty CP Cảng Đà Nẵng được Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng (DDIF) cho vay 85 tỷ đồng trong thời hạn 10 năm, trong đó có 18 tháng ân hạn; lãi suất 6,5%/năm – nhóm đặc biệt ưu tiên cho vay tại Quỹ. Theo chủ trương hỗ trợ lãi suất tại Nghị quyết số 84/2022/NQ-HĐND, dự án này đã được UBND thành phố cấp kinh phí hỗ trợ lãi suất với mức hỗ trợ 3%/năm trong thời gian 5 năm kể từ ngày giải ngân lần đầu tiên.
Dự án đầu tư 04 cẩu ERTG tại cảng Tiên Sa của Công ty CP Cảng Đà Nẵng có tổng mức đầu tư 170,193 tỷ đồng nhằm đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác, bốc xếp container tại block G, H, I, K. Từ đó, đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua Cảng như: dự báo, nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ khai thác container, giảm các bất cập do quy mô, diện tích bãi hạn chế. Đồng thời góp phần nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của Cảng.
Bãi sau cầu cảng số 4, 5 bến cảng Tiên Sa được Cảng Đà Nẵng đưa vào sử dụng từ ngày 13-6-2024
Ông Lê Quảng Đức – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho biết, cẩu ERTG là thiết bị chuyên dụng để xếp dỡ container.
“Việc đầu tư dự án nói trên đã giúp Công ty CP Cảng Đà Nẵng tăng năng suất xếp dỡ và chất lượng dịch vụ khai thác container. Bên cạnh đó, dự án còn giúp tăng mức đóng góp cho ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thuế, tạo động lực thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành, lĩnh vực khác tại khu vực Đà Nẵng nói riêng và trong khu vực nói chung”, ông Lê Quảng Đức chia sẻ.
Ông Lê Quảng Đức thông tin thêm, ngày 13-6-2024, Công ty CP Cảng Đà Nẵng đã chính thức đưa vào khai thác khu bãi sau cầu cảng số 4, 5 bến cảng Tiên Sa. Đây cũng là một trong các dự án của Công ty được hỗ trợ vay vốn tại DDIF.
Dự án được khởi công ngày 7-2-2022 trên diện tích 37.415m2, có sức chứa xấp xỉ 110.000 Teus, đáp ứng nhu cầu khai thác hàng hóa container ngày một tăng cao, giúp công tác bốc xếp của thiết bị tuyến bến, vận chuyển hàng hóa giữa cầu tàu, bãi và ngược lại được thuận lợi và phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của Cảng Đà Nẵng.
Quy mô thiết kế đầu tư xây dựng mới bãi sau cầu 4,5 bao gồm các hạng mục xây dựng chính: Kè sau cầu, kè bãi; San lấp; Bãi container; Đường nội bộ; cấp thoát nước đồng bộ … Dự án cũng bao gồm trang bị 04 cẩu ERTG và hạ tầng kỹ thuật đi kèm, đáp ứng nhu cầu phục vụ tàu container đến 50.000 DWT và tàu hàng tổng hợp đến 70.000 DWT, tàu khách tải trọng 168.000 GT.
“Dự án hoàn thành góp phần vào sự phát triển đồng bộ hệ thống logistics, tạo nền tảng để Cảng Tiên Sa khẳng định là cảng container hiện đại trong khu vực. Mặt khác, Cảng Đà Nẵng ngày càng chứng tỏ được vai trò quan trọng của mình đối với sự phát triển kinh tế – xã hội không chỉ của thành phố Đà Nẵng mà còn của cả khu vực miền Trung”, ông Lê Quảng Đức đánh giá.
Trong các năm qua, Cảng Đà Nẵng liên tục đầu tư thiết bị, phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Song song đó, Công ty cũng đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến là một cảng Cảng điện tử. Hiện nay, các container khi qua Cảng hoàn toàn thực hiện thủ tục trực tuyến, giúp rút gọn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Công ty được hỗ trợ vay vốn tại DDIF để triển khai Dự án đầu tư máy móc thiết bị công nghệ cao phục vụ gia công sản phẩm cơ khí
Trong khi đó, Công ty TNHH Trường Sáng (quận Liên Chiểu) hiện đang tăng cường nhập các thiết bị, áp dụng các công nghệ mới để nâng cao năng lực về gia công tám kim loại. Đây là một trong các dịch vụ chủ lực của Công ty.
Trong khoảng 4 năm trở lại đây, Công ty đã có 02 dự án đầu tư máy móc thiết bị công nghệ cao phục vụ gia công sản phẩm cơ khí và đã được DDIF cho vay với số tiền là 11,35 tỷ đồng chiểm tỷ trọng 56,75% trên tổng mức đầu tư. Trong thời gian đến cùng với sự đồng hành của DDIF, Công ty sẽ tiếp tục vay vốn để nhập máy chấn công nghệ cao, đặt hàng thêm máy cắt laser ống hộp, U, I, V…
Ông Ngô Công Quốc Huy – Giám đốc Công ty chia sẻ: “Từ sự hỗ trợ của DDIF, Công ty đã mạnh dạn nhập các thiết bị máy móc công nghệ mới phục vụ hoạt động kinh doanh. Qua đó giúp Công ty nâng cao chất lượng hoạt động, tốc độ và năng suất xử lý đơn hàng của Công ty tăng cao hơn trước, đáp ứng số lượng hàng và thời gian giao hàng cho đối tác”.
Đây là 2 trong nhiều đơn vị đang đầu tư các dự án phục vụ cộng đồng, mở rộng sản xuất được DDIF hỗ trợ vốn. Theo DDIF, tính đến thời điểm hiện tại, có 8 doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 60/2021/NQ-HĐND của HĐND thành phố với với tổng số tiền cho vay hơn 148 tỷ đồng và tổng số tiền được hỗ trợ lãi suất hơn 1,76 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có 2 doanh nghiệp (Cảng Đà Nẵng và Công ty Cổ phần Vận tải và cho thuê tàu Vietfrach) được hưởng hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 84/2022/NQ-HĐND với tổng số tiền được hỗ trợ lãi suất gần 3,7 tỷ đồng.
Từ hiệu quả thiết thực trong việc đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp mong muốn thời gian tới, DDIF sẽ mở rộng đối tượng cũng như nghiên cứu đề xuất điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi, tiếp cận nguồn vốn vay để sản xuất kinh doanh góp phần phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
THANH THẢO
Nguồn: https://danang.gov.vn/vi/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=59401&_c=3