Phòng chống rửa tiền

Một số sửa đổi, bổ sung trong quy định về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố

By 01/01/2021 Tháng Tám 10th, 2023 No Comments

Ngày 14/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 20/2019/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền.

Theo đó Nghị định mới đã có một số thay đổi về đối tượng áp dụng, chủ sở hữu hưởng lợi, báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố… so với trước đây.

  • Về đối tượng áp dụng quy định tổ chức, cá nhân khác liên quan đến phòng, chống rửa tiền gồm có: tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc người không có quốc tịch không hoạt động hoặc không sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam nhưng có các giao dịch tài chính, giao dịch tài sản khác với tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 1, Điều 2 của Nghị định 116/2013/NĐ-CP.

Hình minh họa một số quy định mới trong phòng chống rửa tiền

  • Về nhận biết chủ sở hữu hưởng lợi được xác định dựa trên 03 tiêu chí sau:

Một là, cá nhân sở hữu thực tế đối với một tài khoản hoặc một giao dịch gồm Chủ tài khoản, đồng chủ tài khoản hoặc bất kỳ người nào chi phối hoạt động của tài khoản hoặc thụ hưởng từ giao dịch đó;

Hai là, cá nhân có quyền chi phối pháp nhân: Cá nhân nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% trở lên vốn điều lệ của pháp nhân đó; chủ doanh nghiệp tư nhân; cá nhân khác thực tế chi phối, kiểm soát pháp nhân đó;

Ba là, cá nhân có quyền chi phối một ủy thác đầu tư, thỏa thuận ủy quyền: Cá nhân ủy thác, ủy quyền; cá nhân có quyền chi phối cá nhân, pháp nhân hoặc tổ chức ủy thác, ủy quyền.

  • Về thực hiện báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố: Nghị định mới quy định khi thực hiện 04 hành vi sau, tổ chức cá nhân có thể bị nghi ngờ liên quan đến tội phạm rửa tiền nhằm tài trợ cho khủng bố:

+ Thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân theo danh sách trong các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

+ Thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân theo danh sách những tổ chức, cá nhân khủng bố và tài trợ cho khủng bố do tổ chức quốc tế khác hoặc quốc gia khác trên thế giới lập ra và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cảnh báo.

+ Thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân đã từng bị kết án về các tội khủng bố, tội tài trợ cho khủng bố tại Việt Nam.

+ Thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân khủng bố hoặc tài trợ khủng bố mà đối tượng báo cáo biết được từ các nguồn thông tin khác.

  • Về việc phong tỏa tài khoản theo Điều 23 của Nghị định 116/2013/NĐ-CP được sửa đổi nhằm phong tỏa tài khoản, niêm phong hoặc tạm giữ tài sản. Theo đó, đối tượng báo cáo thực hiện phong tỏa tài khoản hoặc áp dụng biện pháp niêm phong, tạm giữ tài sản khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra tại thông tư mới số 20/2019/TT-NHNN đã sửa đổi và bổ sung chủ yếu liên quan đến các nội dung chính sau: đánh giá rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố; phòng chống tài trợ khủng bố… so với thông tư số 35/2013/TT-NHNN, cụ thể như sau:

  • Về phạm vi điều chỉnh: Thông tư mới đã mở rộng phạm vi điều chỉnh như sau: so với thông tư cũ, Thông tư 20/2019/TT-NHNN quy định về biện pháp đánh giá tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao; cập nhật thông tin khách hàng; thông báo danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị; phòng, chống tài trợ khủng bố; nội dung, hình thức các báo cáo: giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử, hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố. Thông tư cũng quy định cụ thể về mức giá trị của ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, kim loại quý, đá quý, công cụ chuyển nhượng phải khai báo hải quan và “giấy tờ phải xuất trình cho hải quan cửa khẩu khi cá nhân xuất nhập cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, kim loại quý, đá quý.”
  • Về đánh giá rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố đã bổ sung yêu cầu đối tượng báo cáo có trách nhiệm căn cứ vào kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố của quốc gia, ngành và lĩnh vực của mình, đối tượng báo cáo phải thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố để hiểu rõ các rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố (đối với khách hàng, quốc gia hoặc khu vực địa lý, các sản phẩm, dịch vụ, giao dịch hoặc kênh phân phối) của mình; kết quả đánh giá phải được hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc phê duyệt, ký ban hành. Trước đó, yêu cầu này không được quy định trong Thông tư số 35/2013/TT-NHNN.
  • Về công tác phòng, chống tài trợ khủng bố đã bổ sung nội dung cụ thể về đối tượng báo cáo phải thường xuyên cập nhật kịp thời danh sách chỉ định của các Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và danh sách đen do Bộ Công an chủ trì lập theo quy định của pháp luật được đăng tải trên Công thông tin điện tử của Bộ Công an và thực hiện rà soát khách hàng, các bên liên quan và giao dịch theo các danh sách này.

Như vậy với việc áp dụng các quy định mới lần này sẽ giúp công tác phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố tại các tổ chức tín dụng nói chung và tại Quỹ đầu tư phát triển TP Đà Nẵng ngày một củng cố, chặc chẽ hơn. Hiện nay Ban phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố tại Quỹ đầu tư phát triển đã rà soát và phổ biến các quy định mới đến thành viên và người lao động để nắm rõ và thực hiện.

Phòng thẩm định

Nguồn tham khảo

http://tapchitaichinh.vn/viet-nam-chong-rua-tien-va-tai-tro-khung-bo/quy-dinh-moi-ve-phong-chong-rua-tien-317165.html

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2019-11-24/tang-cuong-cac-quy-dinh-ve-phong-chong-rua-tien-79395.aspx