Đảng bộTin tứcTuyên truyền

Góp phần nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

By 23/08/2023 No Comments

Có thể nói phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Mục tiêu cuối cùng của các thế lực thù địch là tìm mọi thủ đoạn để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tương tự như chúng đã làm được ở Liên Xô và các nước khối XHCN ở Đông Âu trước đây. Nếu Đảng Cộng sản mất vai trò, vị trí là Đảng cầm quyền thì mọi thành quả cách mạng trước đó đều sụp đổ. Với những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch lên tiếng đòi xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về quyền lãnh đạo của Đảng, như chúng đã làm được ở Liên Xô xóa bỏ điều 6 của Hiến pháp. Nếu Đảng Cộng sản mất vai trò, vị trí là Đảng cầm quyền thì mọi thành quả cách mạng trước đó đều sụp đổ. Do đó, trong thời gian qua, các quan điểm sai trái, thù địch nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra rất đa dạng, phức tạp.

Để góp phần nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và đưa ra các luận cứ khoa học và thực tiễn để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đó để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và bảo vệ những thành quả cách mạng to lớn mà nhân dân ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hơn 90 năm qua, chúng ta cần chú ý một số vấn đề sau:

1. Nhận diện các quan điểm sai trái thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Có thể nói, trong thời gian qua, các thế lực thù địch điên cuồng chống phá cách mạng Việt Nam bằng cách đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, trong đó chúng dùng mọi thủ đoạn để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những quan điểm sai trái, thù địch đó thể hiện theo nhiều hướng, nhiều chiêu trò, thủ đoạn khác nhau, trong đó có thể tổng hợp lại thành các nhóm sau:

Một là, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Có thể nhận thấy, cách thức, nội dung mà các thế lực thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không mới như: các thế lực thù địch đã tìm mọi cách xuyên tạc, bóp méo để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Chúng cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều sai lầm trong quá khứ, dù quá khứ có làm được một số việc thì bây giờ chuyển sang thời kỳ mới, Đảng đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ sức để lãnh đạo đất nước”,..Hoặc như, từ những hạn chế của công cuộc đổi mới, nhất là sự tụt hậu về kinh tế của Việt Nam so với các nước trong khu vực, các thế lực thù địch đã lên tiếng đổ lỗi cho Đảng ta lãnh đạo đất nước không hiệu quả nên cần phải “trả lại cho nhân dân Việt Nam quyền tự quyết định vận mệnh của chính mình và của đất nước”, hoặc chúng đưa ra luận điệu rằng “Đảng Cộng sản chỉ có khả năng lãnh đạo trong kháng chiến, chiến tranh thôi, còn không có năng lực, kiến thức để lãnh đạo, điều hành về kinh tế – xã hội trong thời bình và trong thời đại ngày nay”, …Hoặc như, núp dưới danh nghĩa đứng về phía nhân dân, các thế lực thù địch đã khuyên nước ta cần phải đi theo mô hình “xã hội dân chủ”, thực hiện chính sách “chính trị đa nguyên”, “đa đảng đối lập” vì Đảng có “một bộ máy đã tạo nên một xã hội không có tự do, dân chủ”. Chúng cho rằng: “Từ bỏ độc quyền lãnh đạo là vấn đề căn bản vì đó là then chốt của chế độ dân chủ”. Chúng lập luận rằng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội là theo “chế độ đảng trị = đảng chủ”, “thể chế Việt Nam hiên nay là không phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Chế độ một Đảng lãnh đạo, độc quyền là trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền”, “Hiến pháp của Việt Nam là không chính danh, chỉ là Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam độc tài, toàn trị”.

Các thế lực thù địch, phản động dùng mọi thủ đoạn để phủ nhận, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và thể chế chính trị XHCN bằng các luận điệu xuyên tạc như: Đảng tự cho mình đứng trên tất cả; Đảng cầm quyền phi chính danh, không còn mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Chúng xuyên tạc các sự kiện lịch sử của cách mạng Việt Nam; cổ xúy “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, đòi từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang; phủ nhận kinh tế thị trường định hướng XHCN, đòi tách biệt, đối lập “kinh tế thị trường” với “định hướng XHCN”. Chúng còn cho rằng chế độ hiện nay mắc “lỗi hệ thống”, đòi cải cách thể chế chính trị theo hướng đa nguyên, đa đảng, thực hiện “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự” theo tiêu chí phương Tây, chúng cho rằng để đất nước Việt Nam phát triển thì phải đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, còn độc đảng thì sẽ dẫn đến độc tài, không có cạnh tranh, không có phản biện thì sẽ không phát triển, …

Hai là, phủ nhận Cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng. Trong thời gian qua, các thế lực thù địch còn ra sức xuyên tạc, phủ nhận quan điểm, đường lối của Đảng qua các cương lĩnh, văn kiện. Trọng tâm của sự công kích, chống phá cương lĩnh, văn kiện của Đảng là sự xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch về con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vấn đề dân tộc, dân chủ, tôn giáo, nhân quyền… Các thế lực thù địch cho rằng, việc ban hành các cương lĩnh, văn kiện là thể hiện sự “chuyên quyền”, “độc đoán”, “đảng trị”, thể hiện sự “sự chuyên chính của một đảng”, “sự thống trị quan liêu của giới thượng lưu”,… Hoặc chúng xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng như đường lối ngoại giao “cây tre” thì chúng xuyên tạc là gió chiều nào ngã chiều đó, không có chính kiến, không có lập trường, là vị kỷ, ích kỷ, là đi trên dây; đường lối kinh tế thị trường theo định hướng XHCN thì chúng cho là mâu thuẫn, mơ hồ, đã là kinh tế thị trường thì không có định hướng XHCN, …Những luận điệu này được các thế lực thù địch tung ra ngày càng nhiều nhằm phá hủy lòng tin của Nhân dân với Đảng, chia rẽ Đảng với Nhà nước, đối lập Đảng và Nhà nước với Nhân dân. Chúng tập trung tuyên truyền những luận điệu này ngày càng nhiều nhằm kêu gọi nhân dân phải “tỉnh ngộ”, từ bỏ đường lối lãnh đạo của Đảng, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân mất phương hướng.

Ba là, phủ nhận công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Bên cạnh những luận điệu phủ nhận về đường lối lãnh đạo của Đảng, các thế lực thù địch còn ra sức tấn công vào công cuộc xây dựng Đảng hiện nay. Chúng cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã quá khôn ngoan khi đưa vấn đề xây dựng Đảng thành vấn đề then chốt nhưng đó chỉ là kiểu “giật gấu vá vai” vì công tác tổ chức, cán bộ của Đảng đã bị lỗi hệ thống, không thể sửa chữa được. Tình trạng này tất yếu sẽ khiến Đảng đổ vỡ và tan rã”. Hoặc chúng cho rằng Đảng không thể tuyển chọn được nhân tài thực sự mà chỉ tuyển chọn người nhà, con ông cháu cha, thăng tiến thần tốc,… Hoặc chúng cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng chỉ làm được phần ngọn, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, chỉ làm từng vụ việc cụ thể chứ không giải quyết được phần gốc, phần bản chất vì do đã bị lỗi hệ thống,…

Bốn là, phủ nhận những thành tựu vĩ đại của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Luận điệu của các thế lực thù địch là tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận những thành quả lịch sử vẻ vang của dân tộc do Đảng ta lãnh đạo. Chúng cho rằng “Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cú ăn may lịch sử” do điều kiện thuận lợi từ bên ngoài, là một cuộc “đảo chính” khi có một “khoảng trống quyền lực”; kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là sai lầm, không nhất thiết phải tiến hành chiến tranh cách mạng, không nhất thiết phải sử dụng bạo lực để “tránh việc gây chết chóc cho người dân vô tội, cho đồng bào ở cả hai miền Nam Bắc”, thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là cuộc “nội chiến”, “nồi da nấu thịt” đến một lúc sẽ tự giải quyết; quy chụp những hạn chế trong công cuộc đổi mới đất nước là do “chế độ một Đảng lãnh đạo”,  nếu không “tiếm quyền” thì Việt Nam sẽ đứng trong hàng ngũ các nước phát triển từ lâu, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam ngày càng tụt hậu xa hơn về kinh tế, đất nước lạc hậu, kinh tế kém phát triển, “xã hội không có tự do, dân chủ”,…

2. Luận cứ lý luận và thực tiễn để đấu tranh phản bác

Trước những luận điệu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng từ các thế lực phản động, thù địch, chúng ta cần phải đấu tranh bác bỏ, phản bác bằng những luận cứ thật sự khoa học, để làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của chúng. Trong đó, chúng ta cần chú ý một số luận cứ khoa học và thực tiễn sau

Một là, xuất phát từ luận điểm khách quan, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo của chính đảng vô sản trong tiến trình cách mạng. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng, giai cấp công nhân là giai cấp tiên tiến, hiện đại và cách mạng nhất, song chỉ có thể lãnh đạo cách mạng thắng lợi khi lập ra chính đảng để lãnh đạo, dẫn dắt phong trào cách mạng đấu tranh thoát khỏi áp bức, bóc lột và nô lệ để xây dựng chế độ xã hội mới tốt đẹp hơn. V.I Lênin, tiếp tục khẳng định “chỉ có Đảng Cộng sản mới có thể lãnh đạo được giai cấp vô sản… và lãnh đạo được đất nước. Đó là điều không phải nghi ngờ gì nữa”. Thấm nhuần nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”, sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân do Đảng lãnh đạo.

Hai là, Diễn biến tiến trình lịch sử và thực tiễn nhiều quốc gia trên thế giới chỉ ra không phải cứ nhiều đảng, đa nguyên thì đất nước mới phát triển, ổn định. Bài học nhãn tiền của Liên Xô và Đông Âu dẫn đến sụp đổ là buông lỏng, thỏa hiệp và xóa bỏ vai trò lãnh đạo của một Đảng duy nhất cầm quyền. Từ đó, các thế lực phản động nổi lên chống phá, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, lật đổ chính quyền và thay đổi chế độ xã hội. Tại các nước TBCN tuy có nhiều Đảng nhưng cũng chỉ đại diện cho một giai cấp đó là giai cấp tư sản. Thực tế một số nước như Singapore chỉ có một Đảng cầm quyền nhưng đất nước vẫn phát triển trở thành con rồng châu Á, xã hội vẫn dân chủ, ổn định.

Ba là, Ở Việt Nam, không có lực lượng nào đủ khả năng lãnh đạo ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chỉ ra, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất cầm quyền lãnh đạo là một tất yếu lịch sử. Đầu thế kỷ XX, nhiều tổ chức Hội, Đảng ra đời nhưng không gánh vác được nhiệm vụ lịch sử giao phó, mà chỉ duy nhất Đảng Cộng sản do Hồ Chí Minh sáng lập là thành công. Đưa đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, để hôm nay “đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Qua sự “sàng lọc” khắc nghiệt của lịch sử những thập niên đầu thế kỷ XX, nhân dân ta đã lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là người dẫn dắt mình đi đến tương lai hạnh phúc.

Bốn là, Sự lãnh đạo của Đảng luôn là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, suốt hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để đạt được những thành quả cách mạng to lớn, trong đó, Đảng đã lãnh đạo giai công công nhân và nhân dân lao động đứng lên tổ chức nhiều cao trào đấu tranh mà đỉnh cao là Cách mạng tháng Tám giành độc lập dân tộc, khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau gần 100 năm bị đô hộ, là thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để bảo vệ nền độc lập và thống nhất đất nước, là những thành công to lớn của công cuộc Đổi mới,… Những thành tựu rất quan trọng của đất nước trong thời gian qua là cơ sở khách quan để khẳng định: sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Những thành tựu đó cũng ngày càng khẳng định vai trò to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc đúng như đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định trong Diễn văn Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/2020): Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Tập thể Đảng bộ Quỹ đã chụp ảnh lưu niệm tại Nhà truyền thống cách mạng K20

Như vậy, cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc đấu tranh bảo vệ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta là chính đáng, chính nghĩa, phù hợp với thực tế lịch sử và phù hợp với nguyện vọng, sự tin tưởng của Nhân dân ta.

Đoàn Ngọc Vui-ĐUV, Phó Giám đốc Quỹ