Tin tứcTin tức tài chính

Công tác thẩm định dự án trong hoạt động cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng

By 01/12/2020 No Comments

Từ khi thành lập đến nay, hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Quỹ) luôn song hành với việc thực hiện mục tiêu của phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, cùng với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trên thì yêu cầu quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ mà Quỹ luôn quan tâm thực hiện để đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ là bảo toàn và phát triển vốn, đảm bảo an toàn tín dụng.

Để đạt được kết quả trên, một trong những mắc xích không thể thiếu trong hoạt động tại Quỹ đó chính là công tác thẩm định dự án trong cho vay đầu tư. Thẩm định là cả một quá trình kiểm tra, đánh giá dự án một cách kỹ lưỡng trên nhiều phương diện bằng các kỹ thuật phương pháp phân tích; dựa trên nhiều căn cứ, dữ liệu và chuẩn mực khác nhau để góp phần đi đến quyết định chấp nhận cho vay hay không, đề xuất những khuyến nghị liên quan đến triển khai và hoạt động của dự án nếu quyết định cho vay. Trong thực tế được coi là công việc phản biện của việc thiết lập dự án đầu tư nhằm xác định khả năng chắc chắn của việc thu hồi nợ, lãi từ dòng tiền dự án mang lại mà Chủ đầu tư với tư cách là người đi vay đã cam kết.

Kết quả thẩm định sẽ là cơ sở tham mưu cho Giám đốc, HĐQL, cũng như UBND thành phố xem xét, quyết định dự án có đủ điều kiện để được phê duyệt đầu tư hay không?. Đồng thời, với nguyên tắc hoạt động cho vay của Quỹ là phải bảo toàn và phát triển vốn thì công tác thẩm định dự án đóng vai trò rất quan trọng trong việc ra quyết định cho vay nhằm bảo toàn vốn nhà nước, nhất là trong khi nguồn vốn ngân sách chi đầu tư phát triển còn nhiều hạn chế, tình trạng thâm hụt ngân sách, nợ công cao.

Nhìn chung, nội dung thẩm định dự án đầu tư của Quỹ và các tổ chức tín dụng khác về cơ bản là giống nhau đối với thẩm định dự án, thẩm định hiệu quả tài chính, khả năng trả nợ nhằm đảm bảo thu hồi vốn. Tuy nhiên hoạt động của Quỹ chú trọng, quan tâm hơn so với các TCTD là thẩm định hiệu quả kinh tế – xã hội.

Từ khi thành lập đến nay, Quỹ đã thực hiện thẩm định khoảng 180 dự án đầu tư, trong đó thuộc các lĩnh vực như: cấp điện; cấp thoát nước; giáo dục; hạ tầng thiết bị y tế; giao thông, đô thị chung cư đối tượng vay vốn tại Quỹ chủ yếu là các công ty Nhà nước, cổ phần, đơn vị sự nghiệp có thu và một số loại hình doanh nghiệp khác.

Đồng thời năm 2020, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19, Quỹ đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 162/KH-KHQĐTPT ngày 12/03/2020 và đạt được những kết quả tương đối khả quan: tổng giá trị phê duyệt cho vay tính đến nay đạt 234,2 tỷ đồng và có 02 dự án đang trình phê duyệt cho vay với giá trị 81,8 tỷ đồng. Ước đạt 75,2% kế hoạch được giao.

Ngoài ra, trong năm nhằm hỗ trợ khách hàng, Quỹ đã thực hiện thẩm định đối với các hồ sơ khách hàng đề nghị hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để cơ cấu nợ và giảm, miễn lãi, giữ nguyên nhóm nợ để chia sẻ khó khăn cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải trước tác động của dịch bệnh.

Trong thời gian đến, nhằm từng bước hoàn thiện công tác thẩm định dự án cho vay để tham mưu cấp có thẩm quyền đưa ra những quyết định cho vay chính xác và an toàn tín dụng trong hoạt động của Quỹ, công tác thẩm định cho vay của Quỹ sẽ tập trung thực hiện một số biện pháp sau:

  1. Tiếp tục thực hiện các quy định trong công tác thẩm định về cải cách thủ tục thẩm định cho vay theo hướng nhanh, gọn và linh hoạt tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật, tập trung một số nội dung sau:

– Sửa đổi Quy chế thẩm định cho vay đầu tư tại Quỹ

– Xây dựng sổ tay thẩm định

– Quy định thẩm định giá trị tài sản thế chấp tại Quỹ

  1. Thẩm định dự án phải được tiến hành và rà soát kết quả sau giai đoạn giải ngân để đánh giá hiệu quả của công tác thẩm định và tìm ra nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả thẩm định để đề xuất xử lý và rút kinh nghiệm đối với những dự án tiếp theo. Theo đó, yêu cầu tham mưu và thực hiện tốt công tác quản lý dự án sau thẩm định dự án cho vay.
  2. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực. Yêu cầu cán bộ thẩm định thực hiện nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ doanh nghiệp, tính chuyên nghiệp; đồng thời, nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ thông qua tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về tín dụng, thẩm định dự án, thẩm định giá, …cho cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
  3. Tăng cường phối hợp giữa các phòng nghiệp vụ trong quá trình xúc tiến, thẩm định và giải ngân.
  4. Tích cực phối hợp, nghiên cứu tham gia, góp ý các nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định 138 và 37 của Chính phủ, đặc biệt đối với các nội dung ảnh hưởng đến công tác thẩm định.

Việc thực hiện tốt công tác thẩm định từng bước nâng cao tỷ lệ sử dụng vốn của Quỹ qua việc phát huy vai trò của Quỹ trong công tác cho vay đầu tư cho các công trình dự án đầu tư góp phần đưa công trình hạ tầng các dự án trọng điểm đi vào khai thác sử dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố, góp phần vào sự phát triển Quỹ trở thành một tổ chức tài chính vững mạnh và chuyên nghiệp của thành phố để luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp trong công cuộc xây dựng thành phố Đà Nẵng là thành phố “văn minh, an bình, thân thiện và đáng sống”.

Phương Quỳnh – Hoàng Giang, Phòng Thẩm định