Tin tứcTin tức

Nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, kịp thời phục hồi kinh tế

By 21/10/2022 No Comments

Thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế – xã hội, trong hai năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành, thông qua nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương, đưa kinh tế thành phố từng bước phục hồi, phát triển.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh được thành phố ban hành thời gian qua giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, khôi phục, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Pi Vina (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu).  Ảnh: M.Q
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh được thành phố ban hành thời gian qua giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, khôi phục, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty TNHH Pi Vina (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q

Chủ trương, chính sách quan trọng, kịp thời

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố năm 2021 tăng 0,18% so với năm 2020. Đến 9 tháng đầu năm 2022, GRDP của thành phố ước tăng 16,76%. Đà Nẵng được đánh giá là một trong số các địa phương có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh; đứng 4/63 tỉnh, thành.

Để có được kết quả trên, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND thành phố, UBND thành phố đã ban hành, thông qua nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp quan trọng, kịp thời để khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội thành phố. Nổi bật trong đó, Thành ủy  chọn chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội”; ngay sau đó UBND thành phố và các cấp, ngành nhanh chóng ban hành kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện.

Trước đó, vào giữa năm 2021, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 30-7-2021 về tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố. Theo đó, mặc dù xác định “chống dịch như chống giặc” nhưng các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được duy trì cơ bản với các giải pháp linh hoạt. Thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và những biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách tối đa trong tình hình “ai ở đâu thì ở đó”.

Khi thành phố vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, Ban Thường vụ Thành ủy nhanh chóng ban hành Thông báo số 202/TB-TU ngày 14-10-2021 về kết luận tại cuộc họp ngày 8-10-2021, trong đó giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo ban hành kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế – xã hội thành phố trong trạng thái bình thường mới. Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND thành phố tập trung vào kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, xác định việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng, then chốt, góp phần thúc đẩy, khôi phục tăng trưởng kinh tế thành phố.

Trên cơ sở kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 26-10-2021 về phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19. Kế hoạch nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội bằng các chính sách hỗ trợ, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thu hút đầu tư…

Kế hoạch cũng đề cập các chính sách được UBND thành phố soạn thảo để trình HĐND thành phố thông qua vào kỳ họp cuối năm 2021 có thể kể đến là: hỗ trợ phí hạ tầng cho các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp, hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho các tiểu thương kinh doanh tại các chợ trên địa bàn thành phố, hỗ trợ miễn, giảm tiền điện, nước cho một số doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố…

Hoạt động đầu tư xây dựng tăng, doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng gia tăng sản xuất đưa sản phẩm ra thị trường. Trong ảnh: Giới thiệu sản phẩm cửa cuốn và thiết bị nội thất của Công ty CP tập đoàn Austdoor. Ảnh: T. TÙNG
Hoạt động đầu tư xây dựng tăng, doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng gia tăng sản xuất đưa sản phẩm ra thị trường. TRONG ẢNH: Giới thiệu sản phẩm cửa cuốn và thiết bị nội thất của Công ty CP tập đoàn Austdoor. Ảnh: T. TÙNG

Nhanh chóng đi vào thực tế

Cuối năm 2021, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 về giảm tiền sử dụng hạ tầng năm 2021 cho doanh nghiệp thuê đất, thuê lại đất trong Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và các khu công nghiệp chịu ảnh hưởng của Covid-19. Đến nay, UBND thành phố đã ban hành quyết định hỗ trợ 22,4 tỷ đồng cho 311 doanh nghiệp, nhà đầu tư theo nghị quyết.

Một chính sách khác là hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng để thực hiện dự án phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 theo Nghị quyết số 60/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển thành phố cho biết, quỹ đã tiếp nhận và thẩm định cho vay 6 dự án thuộc đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa để xem xét hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 60/2021/NQ-HĐND với tổng số vốn được phê duyệt là 132,2 tỷ đồng. Các dự án này thuộc những lĩnh vực mà thành phố chú trọng phát triển như logistics, công nghiệp hỗ trợ. Khi được hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp bớt một phần chi phí để đầu tư máy móc, nâng cao năng suất, tạo việc làm cho người lao động.

HĐND thành phố cũng đã thông qua chính sách giảm 50% giá thuê văn phòng tại Khu công viên phần mềm Đà Nẵng theo Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 11-3-2022 của HĐND thành phố. Tới nay, Sở Tài chính đang thẩm định kinh phí để tham mưu UBND thành phố duyệt, dự kiến sẽ có 62 doanh nghiệp được hỗ trợ với số tiền hơn 920 triệu đồng.

Cũng theo Nghị quyết số 03/NQ-HĐND, thành phố đã bổ sung danh sách tiểu thương tại 2 chợ Hòa Cường và chợ Siêu thị Đà Nẵng (chợ không do ngân sách Nhà nước đầu tư) được hỗ trợ miễn, giảm tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ. Như vậy, tổng số hộ kinh doanh tại các chợ truyền thống được hỗ trợ trong năm 2020 và 2021 là 40.000 hộ với kinh phí dự kiến là 36 tỷ đồng.

Một chính sách khác được ban hành trong giai đoạn Covid-19 đang diễn biến phức tạp là Nghị quyết số 328/2020/NQ-HĐND ngày 9-12-2020 của HĐND thành phố về quy định nội dung và mức chi từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố đến năm 2025.

Đến nay, tổng kinh phí thực hiện theo nghị quyết là hơn 7 tỷ đồng với 52 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thụ hưởng nhằm phát triển các sản phẩm, dịch vụ có khả năng tăng trưởng và hàm lượng công nghệ như: sản phẩm kính thông minh, nền tảng chia sẻ kinh nghiệm du lịch, xây dựng bản đồ xanh, nền tảng y tế công nghệ thông minh….

Ngoài chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết số 324/2020/NQ-HĐND ngày 9-12-2020 về chính sách khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch thành phố Đà Nẵng. Trong hai năm 2020 và 2021, đã có 35 doanh nghiệp trên địa bàn được hỗ trợ với tổng kinh phí 4 tỷ đồng.

Là một trong những doanh nghiệp được nhận hỗ trợ 300 triệu đồng để đầu tư máy móc, ông Hồ Nguyên Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Giải pháp và ứng dụng công nghệ Inteltech (quận Cẩm Lệ) chia sẻ: “Trước khi nghị quyết có hiệu lực thì chính sách khuyến công địa phương chỉ áp dụng cho đối tượng thụ hưởng tại huyện nông thôn Hòa Vang và một số phường đặc thù của thành phố. Nay nhờ có nghị quyết mà doanh nghiệp được hỗ trợ kịp thời trong giai đoạn phục hồi sản xuất”.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2020-2022, có khoảng 15 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do UBND, HĐND thành phố ban hành, qua đó, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau thời gian gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. Đây là cơ sở để thành phố từng bước khôi phục kinh tế, đạt những kết quả tích cực trong năm 2022.

MAI QUẾ