Chỉ số sản xuất công nghiệp của Đà Nẵng 4 tháng qua giảm 3,7% do dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, hàng hóa trong và ngoài nước. Tuy vậy, tình trạng này chỉ tạm thời, ngành công nghiệp vẫn đóng góp quan trọng, bền vững cho kinh tế TP. Trong thời điểm này, Đà Nẵng cần đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng công nghiệp để sẵn sàng đón đầu cơ hội khi kinh tế phục hồi.

Khu CNC Đà Nẵng hiện đã thu hút 18 dự án. 

          Đà Nẵng hiện có hơn 1 ngàn ha đất công nghiệp trong 6 KCN, thu hút trên 460 dự án, tổng vốn khoảng 37 ngàn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 77 ngàn lao động. Trong cơ cấu kinh tế TP, ngành công nghiệp đóng góp hơn 22% GRDP, DN trong các KCN đóng góp khoảng 25% tổng thu ngân sách TP. Trong một khoảng thời gian dài Đà Nẵng tập trung nguồn lực đầu tư các ngành dịch vụ, vì thế hạ tầng công nghiệp không được đầu tư nhiều, nhu cầu mặt bằng sản xuất trong các KCN của DN rất lớn. Nhiều DN không tìm được mặt bằng sản xuất tại Đà Nẵng đã phải tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các địa phương lân cận. Những năm gần đây, Đà Nẵng đầu tư cho công nghiệp nhiều hơn, nhất là công nghiệp CNC, CNTT để hướng cơ cấu kinh tế bền vững hơn, tránh phụ thuộc nhiều vào dịch vụ, du lịch. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp (CCN) mới như Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Khánh Nam, các khu CNTT Hòa Liên, Hòa Hải… để đáp ứng mặt bằng sản xuất cho DN nhỏ và vừa, DN CNTT thì TP cũng đẩy mạnh phát triển hạ tầng CNC để thu hút những dự án sạch, hàm lượng giá trị gia tăng cao.

          Khu CNC Đà Nẵng tại Hòa Liên và Hòa Ninh có diện tích hơn 1,1 ngàn ha (lớn hơn 6 KCN cộng lại) với tổng vốn đầu tư hơn 8,8 ngàn tỷ đồng hiện đã hoàn thiện giai đoạn 1 và 2 với hơn 350 ha đất sạch sẵn sàng phục vụ nhà đầu tư. Theo BQL Khu CNC và các KCN Đà Nẵng, hiện có 18 dự án đầu tư vào Khu CNC, trong đó có 9 dự án FDI tổng vốn hơn 336 triệu USD và 9 dự án trong nước tổng vốn hơn 5,2 ngàn tỷ đồng. Trong 18 dự án đầu tư có 6 dự án đã đi vào hoạt động, nổi bật như dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Hoa Kỳ), dự án Nhà máy Niwa Foudy Việt Nam (Nhật Bản), dự án Nhà máy Sản xuất thiết bị y tế ICT Vina (Hàn Quốc)… Các dự án đầu tư vào khu CNC như Sunshine đều có quy mô lớn, thu hút nhân lực chất lượng cao đồng thời có tính chất động lực, lan tỏa, thu hút thêm nhiều dự án hậu cần, phụ trợ. Do vậy, việc đẩy nhanh tiến độ giai đoạn 3 của dự án khu CNC để đón làn sóng đầu tư mới càng cấp thiết.

          Ông Hồ Thuyên, Trưởng BQL dự án đầu tư xây dựng Khu CNC Đà Nẵng cho biết, dự án đã được bố trí vốn hơn 3 ngàn tỷ đồng trên tổng số hơn 8,8 ngàn tỷ đồng phê duyệt. Trong đó, hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1, giai đoạn 2 đã cơ bản hoàn thành khối lượng xây lắp. Hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 3 đang thi công đạt khoảng 60% khối lượng. Nhà máy xử lý nước thải đã bàn giao đưa vào sử dụng đợt 1 tháng 11-2018 (Đã phê duyệt dự toán điều chỉnh, bổ sung hạng mục Nhà máy xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1 ngày 4-4-2020). Trung tâm ươm tạo khu CNC đã bàn giao đưa vào sử dụng và trình Sở Tài chính thẩm tra phê duyệt quyết toán. Trụ sở làm việc BQL Khu CNC và các KCN đã thi công cơ bản hoàn thành, dự kiến nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 5-2020. Với khu phụ trợ phục vụ dự án Khu CNC hiện đang thi công san nền đạt 65%, hạ tầng kỹ thuật đường số 15 nối dài đạt 16%, đường số 9 nối dài tại các vị trí có mặt bằng đạt 37%. Vướng mắc lớn nhất hiện nay trong xây dựng dự án Khu CNC Đà Nẵng là mặt bằng thi công. Hiện có 2.944/ 2.970 hồ sơ đã bàn giao mặt bằng, còn 36 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng và tiến độ đền bù giải tỏa dậm chân tại chỗ 2 tháng qua.

          Bên cạnh dự án Khu CNC, hiện nhiều CCN cũng đang vướng về mặt bằng, thủ tục. CCN Cẩm Lệ rộng hơn 29 ha, tổng mức đầu tư hơn 254 tỷ đồng hiện đã kiểm định 390/390 hồ sơ, nhận tiền đền bù và bàn giao 221/390 hồ sơ đất và 40/40 hồ sơ mộ. Đơn vị thi công đang đào đất san nền và vận chuyển ra khỏi công trình khoảng 286/690 ngàn m3 . CCN Hòa Nhơn rộng 24,7 ha trong đó có 284 lô đất để xây dựng nhà xưởng, trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh với tổng diện tích 15ha. Hiện tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đã bàn giao 178/282 hồ sơ, chậm so với kế hoạch. CCN Hòa Hiệp Bắc hiện đã tiến hành kiểm kê được 59/111 hồ sơ, còn 52/111 hồ sơ chưa kiểm kê được do vướng mắc trong quá trình quy chủ sử dụng đất, tranh chấp, đo đạc thiếu diện tích, tách nhập thửa. Theo kế hoạch, cuối năm 2020 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng CCN Hòa Hiệp Bắc. Với CCN Hòa Khánh Nam, hiện TP đang điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, đồng thời thẩm định bộ tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

          Để phát triển hạ tầng công nghiệp, Đà Nẵng cũng đang mời thầu các nhà đầu tư tham gia xây dựng 3 KCN trong giai đoạn từ nay tới 2023. Cụ thể, KCN Hòa Cầm (giai đoạn 2) có tổng diện tích 120ha, tổng chi phí thực hiện hơn 2.232 tỷ đồng (hơn 1 ngàn tỷ đồng phục vụ giải tỏa đền bù, tái định cư). KCN Hòa Nhơn tổng diện tích hơn 360 ha, tổng chi phí hơn 5.657 tỷ đồng (2500 tỷ phục vụ GPMB). KCN Hòa Ninh có tổng diện tích 400ha, tổng chi phí hơn 6.083 tỷ đồng (GPMB hơn 2.578 tỷ đồng).

          Những vướng mắc về mặt bằng, thủ tục khiến nhiều dự án hạ tầng công nghiệp Đà Nẵng gặp khó. Việc tháo gỡ vướng mắc này, sớm đẩy nhanh tiến độ các khu, cụm công nghiệp sẽ tạo nền tảng hạ tầng công nghiệp hoàn thiện, tạo lợi thế lớn để Đà Nẵng sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới sau dịch Covid-19. 

HẢI QUỲNH – Báo Công an thành phố