Tin tứcTin tức

Tăng cường hỗ trợ, ươm tạo tại các vườn ươm

By 22/02/2023 No Comments

Để giúp các dự án khởi nghiệp tăng khả năng thành công, các vườn ươm trên địa bàn thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng các chương trình hỗ trợ, ươm tạo.

Các vườn ươm đang nâng cao chất lượng chương trình hỗ trợ, ươm tạo các dự án khởi nghiệp. Trong ảnh: Nhân viên tại Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn đang làm việc. Ảnh: M.Q
Các vườn ươm đang nâng cao chất lượng chương trình hỗ trợ, ươm tạo các dự án khởi nghiệp. TRONG ẢNH: Nhân viên tại Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn đang làm việc. Ảnh: M.Q

3 năm triển khai chương trình ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao với 5 dự án tốt nghiệp, Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Khu Công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho các dự án đã tốt nghiệp bằng cách kết nối với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước, đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá, truyền thông, hoàn thiện pháp lý doanh nghiệp, ổn định sản phẩm phát triển doanh nghiệp.

Đặc biệt, dự án “Xử lý, tái chế pin năng lượng mặt trời phế thải” được Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Khu CNC Đà Nẵng hỗ trợ đăng ký và tiếp nhận tài trợ 200.000 USD từ tổ chức đối tác thành phố thông minh Hoa Kỳ – ASEAN (USASCP, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ) và thuê chuyên gia tư vấn tài chính sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ này.

Trong giai đoạn hậu ươm tạo năm 2023, Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Khu CNC Đà Nẵng sẽ tiếp tục đồng hành cùng dự án hỗ trợ không gian làm việc để tạo điều kiện cho dự án hoàn thành mô hình sản phẩm mẫu, hỗ trợ tư vấn sớm thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ. Với dự án “Sản xuất các chế phẩm từ sâm Ngọc Linh” và “Nympha – Hoa súng xanh” được tuyển chọn năm 2022, trung tâm đang kết nối các dự án với nhà đầu tư, đưa nhà đầu tư đến tham quan, khảo sát các vùng trồng của dự án Nympha – Hoa súng xanh và phòng thí nghiệm nuôi cấy mô của dự án sản xuất các chế phẩm từ sâm Ngọc Linh. Kết quả đã có một số nhà đầu tư muốn đầu tư các dự án trong thời gian đến.

Ông Từ Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Khu CNC Đà Nẵng cho biết, trung tâm đang nghiên cứu và tham mưu Ban Quản lý Khu CNC và các khu công nghiệp Đà Nẵng trình UBND thành phố ban hành cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, thúc đẩy môi trường khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ cao tại Khu CNC Đà Nẵng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nguồn tài chính nhằm bảo đảm cho các doanh nghiệp phát triển ổn định; thực hiện điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện quy chế ươm tạo tại Khu CNC Đà Nẵng, cũng như khung chương trình ươm tạo cho từng dự án để công tác ươm tạo được chuẩn hóa và hiệu quả, phù hợp với nguồn lực hiện có của đơn vị.

Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan incubator – SHi) đã hoàn thành 6 chương trình ươm tạo và 8 chương trình tăng tốc khởi nghiệp trong các năm qua. Thời gian tới, SHi tiếp tục đẩy mạnh các chương trình tăng tốc, đặc biệt là các startup xuất phát tại Đà Nẵng và mở rộng ra thị trường miền Trung – Tây Nguyên, giúp các startup xây dựng hệ thống vận hành chỉn chu, có khả năng gọi được vốn đầu tư. Mới đây, SHi tổ chức chương trình tăng tốc cho 2 startup về dược liệu và trang sức để gia tăng quy mô cho doanh nghiệp tại khu vực miền Trung.

Bên cạnh các chương trình của SHi tổ chức, SHi sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tăng tốc cho các doanh nghiệp vẫn chưa có định hướng phát triển phù hợp để hoạch định các chiến lược kinh doanh, qua đó tạo dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Chương trình trên dự kiến tuyển chọn khoảng 5 doanh nghiệp để tăng tốc trong thời gian 6 tháng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) cho biết, dự kiến năm 2023, DNES tập trung vào 4 nội dung. Cụ thể là phối hợp với tổ chức phi chính phủ The Dariu Foundation (TDF – Quỹ Dariu) từ Thụy Sĩ để tổ chức chương trình ươm tạo các dự án của học sinh, sinh viên. Trong đó, 3 dự án được lựa chọn sẽ nhận giải thưởng 30.000 USD/dự án để hoàn thiện mỗi dự án trong thời gian 2-3 năm tới. Bên cạnh đó, DNES sẽ tổ chức số hóa các chương trình đào tạo, ươm tạo khởi nghiệp; hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, tổ chức đào tạo đưa giáo trình số hóa ươm tạo vào trường; tư vấn các trường thành lập các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở (innovation hub) bằng cách tổ chức các khóa đào tạo cho sinh viên, giảng viên. Song song đó, DNES dự kiến thành lập câu lạc bộ nhà đầu tư thiên thần tiềm năng, xây dựng sổ tay nhà đầu tư thiên thần để các dự án khởi nghiệp và nhà đầu tư có thể kết nối với nhau.

Có thể thấy, điểm chung của các vườn ươm là đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tăng cường kết nối để tuyển chọn thành công các dự án có chất lượng để ươm tạo và tăng tốc, phối hợp với các cơ quan Nhà nước, tổ chức đại diện doanh nghiệp, các trường đại học, các chuyên gia trong và ngoài nước để hỗ trợ về mặt pháp lý, kiến thức chuyên môn, cơ sở vật chất, hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ cao, công nghệ mới, tổng hợp tối đa các nguồn lực tại chỗ.

MAI QUẾ- theo báo Đà Nẵng 

https://baodanang.vn/khcn/202302/tang-cuong-ho-tro-uom-tao-tai-cac-vuon-uom-3938312/