Về chế độ kế toán tại các Quỹ tài chính Nhà nước ngoài Ngân sách
Ngày 13/10/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 90/2021/TT-BTC về hướng dẫn kế toán áp dụng cho Quỹ tài chính Nhà nước ngoài Ngân sách hướng dẫn về chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán cho các đơn vị, bao gồm:
– Các đơn vị hành chính, sự nghiệp (đang áp dụng Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017);
– Quỹ đầu tư phát triển địa phương (đang áp dụng Thông tư số 209/2015/TT-BTC ngày 28/12/2015);
– Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam (đang áp dụng Thông tư số 317/2016/TT-BTC ngày 07/12/2016);
– Quỹ dịch vụ viễn thông công ích (đang áp dụng Quyết định số 74/2007/QĐ-BTC ngày 21/8/2007, Thông tư số 174/2010/TT-BTC ngày 04/11/2010 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 74/2007/QĐ-BTC).
Theo đó, các Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán đặc thù của các đơn vị nêu trên hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025.
Thực trạng áp dụng Thông tư 90/2021/TT-BTC tại các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương
Đối với các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, mặc dù Thông tư 90/2021/TT-BTC đã có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022, nhưng cho đến hiện nay, vẫn có rất ít các Quỹ thực hiện chuyển đổi chương trình kế toán đang áp dụng từ Thông tư 209/2015/TT-BTC sang Thông tư 90/2021/TT-BTC, bởi vì:
Hình minh họa
– Việc chuyển đổi sẽ phát sinh thêm chi phí chuyển đổi.
– Thông tư 209/2015/TT-BTC được các Quỹ đang vận hành ổn định và phù hợp với cơ chế hoạt động mang tính chất đặc thù của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương. Đáp ứng được yêu cầu quản lý của các Quỹ.
– Theo Thông tư số 209/2015/TT-BTC (đang được áp dụng tại các Quỹ) thì hệ thống tài khoản tương đối rõ ràng, dễ sử dụng, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể theo phương pháp trực tiếp hoặc gián tiếp tạo thuận lợi cho công tác kế toán. Trong khi Thông tư mới thì chỉ có tài khoản cấp một, Quỹ được chủ động thiết kế, xây dựng hệ thống và biểu mẫu chứng từ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ chỉ thực hiện theo phương pháp trực tiếp. Điều này gây bất lợi cho các Quỹ trong việc thiết kế các tài khoản chi tiết và cũng gây khó khăn trong việc lập Báo cáo tài chính.
– Biểu mẫu mới theo Thông tư 90/2021/TT-BTC không tách biệt kết quả của từng hoạt động của LDIF gây khó khăn trong công tác báo cáo và điều hành của các Quỹ cũng như của cơ quan chủ quản là UBND các tỉnh, thành phố.
– Việc chuyển đổi chương trình kế toán sẽ làm gián đoạn và gây khó khăn trong công tác thống kê.
Chính vì các lý do nêu trên, hiện nay rất ít Quỹ chuyển đổi chương trình kế toán theo Thông tư 90/2021/TT-BTC. Các Quỹ đã có Công văn số 72/ALDIF-VP ngày 22/8/2023 kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục được áp dụng Thông tư 209/2015/TT-BTC.
Tuy nhiên, để thống nhất thông tin quản lý nhà nước đối với các Quỹ tài chính Nhà nước ngoài Ngân sách trên toàn quốc nên Bộ Tài chính quyết định các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương sẽ vẫn thực hiện công tác kế toán tại đơn vị theo quy định tại Thông tư mới (theo Công văn trả lời số 6508/BTC-QLKT ngày 25/6/2024). Các Quỹ đảm bảo tuân thủ thời hạn áp dụng Thông tư số 90 chậm nhất từ năm tài chính bắt đầu từ ngày 01/01/2025.
Phương án thực hiện
Để thuận tiện trong việc chuyển đổi trước ngày 01/01/2025, các Quỹ có thể nghiên cứu một số nội dung như sau:
Thứ nhất, chuẩn bị nguồn kinh phí và chọn đơn vị triển khai phần mềm kế toán phù hợp với yêu cầu của Quỹ.
Thứ hai, có thể vận dụng hệ thống tài khoản hiện hành theo Thông tư 209/2015/TT-BTC, trừ một số tài khoản cấp một cần phải thay đổi và thực hiện theo quy định tại Thông tư 90/2021/TT-BTC. Ví dụ, đối với tài khoản cấp 2 của Tài khoản 121 – “Cho vay”, Quỹ có thể xây dựng theo tài khoản 1283 – “Cho vay” trước đây. Đồng thời, Công văn 6508/BTC-QLKT cũng hướng dẫn rõ cách mở chi tiết một số tài khoản theo Thông tư 90.
Thứ ba, các Quỹ được chủ động thiết kế, xây dựng hệ thống và biểu mẫu chứng từ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động. Do đó, Quỹ có thể chi tiết các hoạt động theo các mẫu báo cáo để đạt yêu cầu trong công tác báo cáo của Quỹ cũng như báo cáo lên cấp trên.
Thứ tư, các Quỹ cần phối hợp với đơn vị tư vấn phần mềm kế toán để cập nhật các số liệu quá khứ vào chương trình mới, đáp ứng cho yêu cầu thống kê của Quỹ.
Thứ năm, cần phát huy vai trò của Hiệp hội các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương trong việc hướng dẫn, thống nhất cách thức chuyển đổi, hệ thống kế toán… để công tác thống kê của các Quỹ được đồng bộ, thuận tiện hơn./.
Huỳnh Thị Vân – Đặng Thị Quý Thanh