hoạt động cho vayLĩnh vực hoạt độngTin tức

Cơ hội tốt để nhà đầu tư thực hiện dự án với chi phí hợp lý

By 30/03/2023 Tháng Sáu 14th, 2023 No Comments

Năm 2023, thành phố thực hiện chủ đề “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”. Thành phố nỗ lực nhằm tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Điều này cho thấy quan điểm xuyên suốt của chính quyền thành phố là luôn đồng hành cùng cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp, đặc biệt là vượt qua thời điểm khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế sau Covid-19.

Công nhân làm việc tại Nhà máy sản xuất dây cáp điện Bumhan Hàn Quốc (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.QUẾ

Tại kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) ngày 15-12-2022, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 84/2022/NQ-HĐND về quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế – xã hội quan trọng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đây là nghị quyết thay thế Nghị quyết số 149/2018/NQ-HĐND ngày 12-7-2018 với kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập trong chính sách hỗ trợ, qua đó thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của thành phố giai đoạn đến.

Cụ thể, nghị quyết quy định chi tiết các dự án được hỗ trợ lãi suất và có tính đến yếu tố khu vực thực hiện dự án tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội vùng khó khăn, trước đây chỉ hỗ trợ đối với 3 nhóm chính là dịch vụ; phát triển công nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao thì hiện nay chính sách mở rộng ra 5 nhóm lĩnh vực, gồm: công nghệ thông tin; công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất vật liệu; nông nghiệp; năng lượng, bảo vệ môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng; nhóm lĩnh vực y tế, giáo dục và khác.

Đồng thời, chính sách cũng cụ thể hóa một số lĩnh vực trước đây chưa rõ, nhưng rất cần thiết cho yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Đơn cử như dự án đầu tư trang thiết bị, công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất cho các sản phẩm thuộc chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP và xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm OCOP; dự án di dời nhà máy, cơ sở sản xuất ở làng nghề, khu vực dân cư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo chủ trương của thành phố; các dự án đầu tư mới cảng, bến phục vụ du lịch đường thủy nội địa; các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng và trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics, cảng biển, bến thủy nội địa…

Bên cạnh đó, để thực hiện chủ trương thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện Hòa Vang cũng như phù hợp với quy mô dự án ở các vùng khác nhau, nghị quyết lần này xác định một trong những điều kiện được hỗ trợ lãi suất là dự án có tổng vốn đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên trên địa bàn huyện Hòa Vang; dự án có tổng vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở lên đối với các khu vực khác.

Nghị quyết dung hòa mức hỗ trợ lãi suất giữa các lĩnh vực, trước đây chính sách quy định theo mức hỗ trợ 50-100% tùy tính theo nhóm lĩnh vực và dự án cụ thể trong từng nhóm lĩnh vực nên gặp khó khăn trong việc xác định mức hỗ trợ cụ thể, vì từng tổ chức tín dụng lại cho vay với mặt bằng lãi suất khác nhau và theo xếp hạng tín nhiệm của nhà đầu tư nên có thể tạo ra sự không công bằng giữa các nhà đầu tư trong thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Hiện nay, chính sách chỉ quy định một mức hỗ trợ là 3% lãi suất vay đầu tư dự án hằng năm cho tất cả các lĩnh vực được quy định tạo ra sự đồng đều trong chính sách hỗ trợ; đồng thời buộc các nhà đầu tư chủ động lựa chọn các tổ chức tín dụng có mặt bằng lãi suất ưu đãi để đem lại hiệu quả cao nhất khi triển khai dự án. Nghị quyết quy định rõ về trình tự, thủ tục và hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất và xác định rõ đầu mối tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất là Sở Tài chính.

Mặt khác quy định trách nhiệm của các cơ quan phối hợp, cơ quan quản lý ngành liên quan lĩnh vực dự án. Song song đó, thời điểm ban hành chính sách hợp lý khi doanh nghiệp rất cần nguồn lực để phục hồi, tái đầu tư sau hậu quả nặng nề của Covid-19, đồng thời, những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới, lãi suất cho vay tăng cao là gánh nặng không nhỏ đối với hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, chính sách hỗ trợ được kỳ vọng là “liều thuốc bổ” để vực dậy và phục hồi “sức khỏe” cho doanh nghiệp cũng như gia tăng khả năng cạnh tranh, chống chọi của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trước những diễn biến phức tạp của thị trường trong nước và trên thế giới.

Ngoài ra, mức hỗ trợ khá ưu đãi, trong điều kiện nguồn lực của thành phố trong thời gian qua bị giảm sút mạnh, đặc biệt là gánh nặng tài chính của giai đoạn Covid-19 thì mức hỗ trợ của chính sách là sự cố gắng không nhỏ của thành phố. Mức hỗ trợ lãi suất 3%/năm trong vòng 5 năm là mức tốt để doanh nghiệp đưa ra quyết định đầu tư, chưa kể nếu dự án đúng đối tượng, doanh nghiệp được vay vốn của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố thì chi phí lãi vay trong 5 năm đầu chỉ là 3,5%/năm. Đây thực sự là mức chi phí tài chính mà mọi doanh nghiệp đều mơ ước kể cả giai đoạn trước Covid-19. Để chính sách trên phát huy hiệu quả và thực sự là “liều thuốc” hữu hiệu cho cộng đồng doanh nghiệp, trong thời gian đến, các sở, ban, ngành cùng hiệp hội doanh nghiệp, nhất là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – chi nhánh Đà Nẵng, hệ thống các tổ chức tín dụng, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng cần tích cực hơn nữa trong công tác truyền thông để đưa chính sách hỗ trợ này đến với cộng đồng doanh nghiệp của thành phố.

TRẦN LÊ MINH TÍN

https://baodanang.vn/channel/5404/202303/co-hoi-tot-de-nha-dau-tu-thuc-hien-du-an-voi-chi-phi-hop-ly-3941918/