Tin tức

Một số điểm mới liên quan đến quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng theo Nghị Định 15/2021/NĐ-CP

By 22/03/2021 No Comments

Ngày 03/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Điều 1, Điều 4, từ Phụ lục I đến Phụ lục IX Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Các quy định trước đây của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Xây dựng năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 (sau đây gọi tắt là Luật số 62/2020/QH14) về quản lý dự án đầu tư xây dựng, gồm: lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế xây dựng; khảo sát xây dựng; cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng; xây dựng công trình đặc thù và thực hiện dự án đầu tư xây dựng tại nước ngoài; quản lý năng lực hoạt động xây dựng; hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng. So với Nghị định 59/2015/NĐ-CP, Nghị định 15/2021/NĐ-CP có sửa đổi bổ sung các nội dung:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Giải thích từ ngữ: Bổ sung giải thích các từ ngữ mới gồm: Công trình hiệu quả năng lượng (Energy Efficiency Building);  Công trình tiết kiệm tài nguyên; Công trình xanh (Green Building) 7. Dự án quan trọng quốc gia;  Dự án đầu tư xây dựng quy mô lớn sử dụng vốn khác có yêu cầu thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng,  Dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công.

2. Về trình tự đầu tư xây dựng:

– Đối với giai đoạn chuẩn bị dự án: so với quy định trước đây thì Nghị định 15/2021/NĐ-CP bổ sung công việc khảo sát xây dựng, quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có), phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng phục vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt/quyết định đầu tư xây dựng; sửa đổi công việc “lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng để xem xét, quyết định đầu tư xây dựng” thành “lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt/quyết định đầu tư xây dựng ”.

– Đối với giai đoạn thực hiện dự án: bỏ nội dung công việc thực hiện giao đất hoặc thuê đất (nếu có).

3. Về phân loại dự án đầu tư

Trước đây phân loại dự án đầu tư xây dựng theo quy mô, tính chất, loại công trình chính của dự án gồm: Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B và dự án nhóm C theo các tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công. Nghị định 15/2021/NĐ-CP  Phân loại dự án đầu tư xây dựng theo quy định tại Điều 49 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 8 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, được quy định chi tiết nhằm quản lý các hoạt động xây dựng theo quy định tại Nghị định này như sau:

– Theo công năng phục vụ của dự án, tính chất chuyên ngành, mục đích quản lý của công trình thuộc dự án, dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo quy định tại Phụ lục IX Nghị định này.

– Theo nguồn vốn sử dụng, hình thức đầu tư, dự án đầu tư xây dựng được phân loại gồm: dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP và dự án sử dụng vốn khác. Dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn hỗn hợp gồm nhiều nguồn vốn nêu trên được phân loại để quản lý theo các quy định tại Nghị định này như sau:

+ Dự án sử dụng vốn hỗn hợp có tham gia của vốn đầu tư công được quản lý theo quy định của dự án sử dụng vốn đầu tư công; dự án PPP có sử dụng vốn đầu tư công được quản lý theo quy định của pháp luật về PPP;

+ Dự án sử dụng vốn hỗn hợp bao gồm vốn nhà nước ngoài đầu tư công và vốn khác: trường hợp có tỷ lệ vốn nhà nước ngoài đầu tư công lớn hơn 30% hoặc trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư thì được quản lý theo các quy định đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công; trường hợp còn lại được quản lý theo quy định đối với dự án sử dụng vốn khác.

4. Yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng

Ngoài các trường hợp yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng đối với  Dự án đầu tư xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo; Dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất) như trước đây, Nghị định bổ sung nội dung trường hợp Dự án đầu tư xây dựng có nội dung chủ yếu là mua sắm hàng hóa, cung cấp dịch vụ, lắp đặt thiết bị công trình hoặc dự án sửa chữa, cải tạo không ảnh hưởng đến an toàn chịu lực công trình có giá trị chi phí phần xây dựng dưới 10% tổng mức đầu tư và không quá 05 tỷ đồng (trừ dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư).

Ngoài ra Nghị định 15/2021/NĐ-CP bổ sung mới các nội dung về: Ứng dụng mô hình thông tin công trình và các giải pháp công nghệ số; Công trình hiệu quả năng lượng, công trình tiết kiệm tài nguyên và công trình xanh Quy định về áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài (gọi chung là tiêu chuẩn nước ngoài); tiêu chuẩn cơ sở; vật liệu và công nghệ mới trong hoạt động xây dựng).

II. LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT DỰ ÁN, QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

 1. Nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng

Bổ sung quy định việc thuyết minh tại  Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng gồm các nội dung: Sự phù hợp của dự án đầu tư đối với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt (nếu có); Tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở; tỷ lệ, số lượng các loại nhà ở (biệt thự, liền kề, căn hộ chung cư) và sự tương thích của số lượng các loại nhà ở với chỉ tiêu dân số được phê duyệt; Diện tích đất dành để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở; Phương án kinh doanh các sản phẩm nhà ở và các sản phẩm khác của dự án; Sự phù hợp với định hướng phát triển đô thị, chương trình phát triển đô thị được phê duyệt (nếu có); kế hoạch xây dựng và hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật trước khi khai thác nhà ở (nếu có), công trình hạ tầng xã hội và các công trình khác trong dự án; kế hoạch và danh mục các khu vực hoặc công trình và dịch vụ công ích sẽ bàn giao trong trường hợp có bàn giao cho Nhà nước; Phương án phân kỳ đầu tư để đảm bảo yêu cầu đồng bộ đối với các dự án gồm nhiều công trình xây dựng triển khai theo thời gian dài có yêu cầu phân kỳ đầu tư; Đối với khu đô thị không có nhà ở thì không yêu cầu thực hiện một số nội dung theo quy định tại Nghị định này.

2. Bổ sung nội dungThẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư; Quy trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng ; Hồ sơ trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng.

3. Bổ sung nội dung liên quan Thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc dự án đầu tư xây dựng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ theo Luật Chuyển giao công nghệ; Trình tự thực hiện thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc dự án đầu tư xây dựng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ

4.Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng

Việc quyết định đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư được thể hiện tại quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, so quy định trước đây có bổ sung các  gồm các nội dung chủ yếu sau: Tổ chức tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (Báo cáo kinh tế – kỹ thuật) đầu tư xây dựng, tổ chức lập khảo sát xây dựng (nếu có); tổ chức tư vấn lập thiết kế cơ sở; Loại, nhóm dự án; loại, cấp công trình chính; thời hạn sử dụng theo thiết kế của công trình chính; Số bước thiết kế, danh mục tiêu chuẩn chủ yếu được lựa chọn; giá trị các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư; hân kỳ đầu tư (nếu có), thời hạn hoạt động cửa dự án, (nếu có); Nguồn vốn đầu tư và dự kiến bố trí kế hoạch vốn theo tiến độ thực hiện dự án; Trình tự đầu tư xây dựng đối với công trình bí mật nhà nước (nếu có);

5. Điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng

Nghị định đã bỏ quy đinh “Chủ đầu tư phải có phương án giải trình, chứng minh hiệu quả bổ sung do việc điều chỉnh dự án mang lại gồm: Hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế – xã hội đối với dự án sản xuất, kinh doanh, dự án có yêu cầu thu hồi vốn; hiệu quả trong giai đoạn xây dựng, hiệu quả kinh tế – xã hội đối với dự án không có yêu cầu thu hồi vốn;”  đồng thời quy định các trường hợp cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh gồm:

– Khi điều chỉnh dự án có thay đổi về mục tiêu, quy mô sử dụng đất, quy mô đầu tư xây dựng;

– Khi có thay đổi về chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc của dự án tại quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác hoặc quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư được phê duyệt;

– Khi điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư dự án đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công;

– Khi có thay đổi về giải pháp bố trí các công năng chính trong công trình dẫn đến yêu cầu phải đánh giá lại về giải pháp thiết kế bảo đảm an toàn xây dựng, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, sự tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật của dự án.

Thẩm quyền, trình tự thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh của cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện theo quy định tại các Điều 13, 14 và 15 Nghị định này. Trường hợp điều chỉnh dự án làm thay đổi nhóm dự án hoặc cấp công trình xây dựng của dự án, thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh được xác định theo thẩm quyền của nhóm dự án, cấp công trình sau điều chỉnh. Việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh của cơ quan chuyên môn về xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng điều chỉnh của người quyết định đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền đối với dự án PPP gồm các nội dung được điều chỉnh hoặc toàn bộ các nội dung của dự án sau khi điều chỉnh.

6. Về hồ sơ cấp phép xây dựng

Bổ sung các nội dung về Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp xây dựng mới; Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng;  Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép di dời công trình lẻ, Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo công trình;  Các trường hợp miễn giấy phép xây dựng đối với công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động; Giấy phép xây dựng có thời hạn; Điều chỉnh, gia hạn giấy phép xây dựng.

7. Xử lý chuyển tiếp

Nghị định số 15/2021/NĐ-CP cũng quy định xử lý chuyển tiếp khi áp dụng Nghị định này. Trong đó:

– Dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì không phải thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo quy định của Nghị định này, việc thực hiện các bước tiếp theo (bao gồm cả trường hợp điều chỉnh dự án, thiết kế xây dựng) thực hiện theo quy định của Nghị định này.

– Đối với dự án đầu tư xây dựng đã trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 nhưng chưa có thông báo kết quả thẩm định trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, việc thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành và không phải thực hiện thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng theo quy định của Nghị định này.

Trên đây là tổng hợp một số điểm mới liên quan đến thủ tục đầu tư  theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 so với Nghị định số 59/2015/NĐ-CP. Toàn văn Nghị định số 15/2021/NĐ-CP tải Tại đây

Quỳnh – DDIF