hoạt động cho vayLĩnh vực hoạt độngTin tức

Phát triển tín dụng bền vững và thích ứng trong tình hình mới tại Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng

By 07/10/2022 No Comments

Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng ra đời và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2007 đúng vào thời điểm Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007, đây là hành lang pháp lý duy nhất cho hệ thống các Quỹ đầu tư phát triển địa phương hoạt động và cũng là điều kiện thuận lợi cho bước khởi đầu của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng. Chỉ sau 03 năm hoạt động, Quỹ đã được đánh giá là một trong những đơn vị hoạt động tích cực, hiệu quả dẫn đầu trong hệ thống các Quỹ đầu tư phát triển địa phương sau Quỹ Đầu tư phát triển Bình Dương, Đồng Nai và Công ty đầu tư tài chính Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh. Cũng trong thời gian này, Quỹ được Bộ Tài chính công bố là 01 trong 06 Quỹ đầu tư phát triển địa phương đủ điều kiện tham gia Dự án tăng cường năng lực cho các Quỹ do WB tài trợ và đã huy động được nguồn vốn tương đối khá từ dự án WB và dự án do AFD tài trợ.

Hình ảnh: Hợp phần đào tạo cho cán bộ Quỹ thuộc Dự án tăng cường năng lực của AFD

Với chức năng, nhiệm vụ thực hiện huy động vốn, cho vay và đầu tư vào các dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển trên địa bàn thành phố, qua 15 năm hoạt động đến nay, Quỹ đã đạt được những kết quả đáng kể cả về quy mô, nguồn vốn hoạt động cũng như số lượng và chất lượng các dự án cho vay. Hoạt động cho vay được xác định là hoạt động chính và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng cơ cấu vốn đầu tư của Quỹ qua các năm. Thông qua hoạt động này, Quỹ đã thể hiện được vai trò là vốn mồi để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư dự án, phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố và có những đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Đà Nẵng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Quỹ đã ký kết hợp đồng tín dụng cho vay 178 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với tổng giá trị hợp đồng ký kết đạt 2.927 tỷ đồng, trong đó tổng vốn giải ngân cho các dự án đạt 2.222 tỷ và tập trung vào một số lĩnh vực như năng lượng (điện), cấp nước và xử lý nước thải, giáo dục, y tế, hạ tầng giao thông, phát triển khu, cụm công nghiệp và các lĩnh vực khác (di dời, đầu tư phát triển sản xuất…). Tổng dư nợ cho vay bình quân hằng năm chiếm gần 70% tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ, tỷ lệ nợ xấu luôn được kiểm soát ở mức thấp, bình quân dưới 3%/năm. Các dự án cho vay đều được áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay để đảm bảo hạn chế rủi ro trong quá trình cho vay.

Biểu đồ: Tăng trưởng tín dụng của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố ĐN

Theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng xác định mục tiêu đến năm 2030 phát triển thành phố Đà Nẵng thành trung tâm của cả nước về logistics, công nghiệp, công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; trung tâm văn hoá – thể thao, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học – công nghệ phát triển và phát huy mạnh mẽ vai trò các thành phần kinh tế, bao gồm cả kinh tế tư nhân, coi nguồn lực trong nước là nền tảng và quyết định. Do vậy, định hướng phát triển của Quỹ đến năm 2025 xác định là tiếp tục xây dựng và phát triển Quỹ thành một tổ chức tài chính vững mạnh và chuyên nghiệp, đóng góp vai trò tích cực trong phát triển kinh tế xã hội thành phố, có uy tín trong hệ thống các Quỹ đầu tư phát triển địa phương của cả nước. Trong đó hoạt động cho vay đầu tư tiếp tục được xác định là nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng cơ cấu vốn đầu tư của Quỹ. Mục tiêu đến năm 2025, dư nợ cho vay chiếm khoảng 70% – 75% trên tổng nguồn vốn hoạt động.

Có thể nói, với định hướng, mục tiêu phát triển hoạt động cho vay của Quỹ nêu trên, cùng với sự hoàn thiện của hệ thống các quy trình, quy chế nghiệp vụ đã được sửa đổi, ban hành mới sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 147/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương để thay thế Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP, sự ra đời của Hiệp hội các Quỹ đầu tư phát triển địa phương…chính là cơ hội để Quỹ đẩy mạnh hoạt động cho vay đầu tư, cung cấp nguồn vốn mồi và kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của thành phố trong thời gian đến. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 xảy ra trên toàn cầu trong hai năm gần đây đã ảnh hưởng đến hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam và đã có tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp. Trước thực tiễn này đã đặt ra những yêu cầu mới trong hoạt động cho vay của Quỹ và cần có các giải pháp để hoạt động tín dụng của Quỹ tăng trưởng bền vững, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng hiệu quả cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng phải kết hợp với đa dạng loại hình khách hàng và mở rộng lĩnh vực dự án đầu tư. Đổi mới và tăng cường hoạt động quảng bá, truyền thông, đẩy mạnh hoạt động tư vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận thông tin về cho vay của Quỹ. Nghiên cứu các chính sách ưu tiên khuyến khích phát triển tín dụng xanh của Chính phủ hiện nay để xây dựng chính sách tín dụng đặc biệt dành riêng cho các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố thuộc lĩnh vực này.

 Thứ hai, tiếp tục ổn định lãi suất cho vay, đảm bảo tính ưu đãi so với các ngân hàng thương mại. Nghiên cứu mở rộng các chính sách lãi suất ưu đãi riêng cho từng chương trình/chính sách cho vay cụ thể của Quỹ để đẩy mạnh tăng trưởng cho vay vào một số lĩnh vực dự án có tính bền vững và phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội hằng năm của thành phố. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ lãi suất vay vốn tại Quỹ của thành phố đối với các doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay để lan tỏa ngày càng mạnh hơn chính sách cho vay của Quỹ đến cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cho vay, có kế hoạch cụ thể để thực hiện số hóa thông tin tín dụng cho vay theo chương trình chuyển đổi số của thành phố. Tích hợp thông tin, cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác thẩm định dự án, quản lý và phân loại và đánh giá chất lượng tín dụng. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu quản lý và hoạt động của Quỹ.

Thứ tư, tập trung phát triển các nguồn lực về vốn và nhân lực. Bên cạnh nguồn vốn tự bổ sung từ kết quả hoạt động hằng năm, nguồn ngân sách cấp bổ sung, cần xây dựng kế hoạch để chủ động tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của các tổ chức nước ngoài dành cho các chương trình tín dụng xanh của Việt Nam, các nguồn tài trợ khác để huy động vốn cho các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, trong đó cần nghiên cứu các hình thức huy động vốn phù hợp và đánh giá hiệu quả, mức độ rủi ro đối với từng nguồn vốn huy động. Đào tạo năng lực cho người lao động theo hướng đa kỹ năng để giúp người lao động thích ứng với các điều kiện và yêu cầu công việc trong tình hình mới. Đồng thời, tính chất đa kỹ năng của người lao động cũng sẽ giúp cho việc đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ thông tin được dễ dàng hơn.

Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác quản trị rủi ro tín dụng, trong đó công tác quản trị rủi ro tín dụng cần được thiết lập để quản lý rủi ro một cách toàn diện. Đối với công tác thẩm định cho vay, vấn đề rủi ro cần tập trung vào các vấn đề trọng yếu như rủi ro trong việc thẩm định dự án gặp phải những vấn đề khá phức tạp, rủi ro trong việc cân đối và đáp ứng nguồn vốn cho dự án, rủi ro về tài sản đảm bảo, rủi ro về doanh thu, hiệu quả dự án và rủi ro về chính sách. Thận trọng về quản lý chất lượng tín dụng, xem xét thực chất các khoản nợ của khách hàng với số liệu nợ xấu thể hiện trong báo cáo tài chính công bố công khai theo niên độ. Đánh giá, phân loại các khoản vay và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng sát với thực chất các khoản nợ được cơ cấu lại.

Hồng Thy- Phòng Tín dụng