Tin tức

Tổng hợp một số điểm mới tại Nghị định 147/2020/NĐ-CP về hoạt động Quỹ Đầu tư phát triển địa phương

By 14/01/2021 Tháng Năm 26th, 2021 No Comments

Sau hơn 13 năm kể từ khi ban hành Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương (và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP), ngày ngày 18 tháng 12 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định mới số 147/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương để thay thế cho Nghị định 138 nêu trên.

Nhìn chung, Nghị định 147/2020/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 147) đã làm rõ hơn một số vấn đề về cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương cũng như làm rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan. Tổng hợp một số điểm mới tại Nghị định 147/2020/NĐ-CP như sau:

1. Về phạm vi điều chỉnh: bổ sung điều chỉnh đối với một số hoạt động của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Về địa vị pháp lý: quy định cụ thể Quỹ đầu tư phát triển địa phương là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Quỹ (nghị định trước đây chỉ quy định Quỹ là tổ chức tài chính Nhà nước).

3. Về Điều kiện thành lập mới Quỹ đầu tư phát triển địa phương: đã quy định chặc chẽ hơn, có vốn điều lệ thực có tại thời điểm thành lập không thấp hơn 300 tỷ đồng (theo quy định cũ là 100 tỷ đồng).

4. Về cơ cấu tổ chức: Về cơ bản, Nghị định mới quy định cơ cấu tổ chức không đổi nhiều so với quy định cũ. Trong đó, có thay đổi ở việc bổ nhiệm, bãi nhiệm, khen thưởng, kỷ luật một số chức danh sẽ được quy định cụ thể tại Điều lệ. Đồng thời, bổ sung Điều 14 về tổ chức điều hành hoạt động Quỹ đầu tư phát triển địa phương, có thể thành lập mới hoặc ủy thác cho tổ chức tài chính khác tại địa phương quản lý, điều hành hoạt động.

5. Về Xây dựng danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ đầu tư phát triển địa phương: đã bỏ điều kiện là các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo Phụ lục. Thay vào đó là các lĩnh vực góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương như: giáo dục, y tế, công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp, môi trường, năng lượng, nhà ở, văn hóa, du lịch, giao thông, các lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa và các lĩnh vực ưu tiên phát triển khác theo định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Theo quy định của NĐ 138, việc triển khai đầu tư trực tiếp nếu là lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội thì sẽ liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, Quỹ ĐTPTĐP gặp nhiều vướng mắc khi triển khai các dự án liên quan đến đất đai. Do đó, đây là một hướng mở cho các Quỹ ĐTPT địa phương khi thay đổi lĩnh vực đầu tư à các lĩnh vực góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

6. Về hoạt động đầu tư

– Nghị định mới quy định rõ: Việc sử dụng vốn và tài sản của Quỹ đầu tư phát triển địa phương để đầu tư phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định này và không thuộc phạm vi đầu tư công.

– Nghị định mới quy định một số trường hợp Quỹ không được đầu tư như quy định tại khoản 3 Điều 17 của Nghị định.

– Về đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế:  quy định rõ Quỹ đầu tư phát triển địa phương quản lý, chuyển nhượng phần vốn góp tại các tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

7. Về hoạt động cho vay

– Về đối tượng cho vay: quy định thêm đối tượng vay Không là công ty con của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

– Về lãi suất cho vay: quy định rõ hơn phải tính đến chi phí cơ hội của nguồn vốn chủ sở hữu.

– Về đảm bảo tiền vay: quy định Quỹ được xử lỷ tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật và hợp đồng tín dụng ký giữa Quỹ đầu tư phát triển địa phương và chủ đầu tư vay vốn.

– Về giới hạn cho vay: Bỏ nội dung về giới hạn cho vay không vượt quá 80% tổng vốn đầu tư của dự án. Quy định cụ thể: dư nợ cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 25% vốn chủ sở hữu của Quỹ được ghi trên báo cáo tài chính gần nhất tại thời điểm giải ngân vốn.

– Phân loại nợ, trích lập quỹ dự phòng rủi ro và xử lỷ rủi ro trong hoạt động cho vay: Quỹ đầu tư phát triển địa phương thực hiện phân loại nợ, trích lập quỹ dự phòng rủi ro và xử lỷ rủi ro trong hoạt động cho vay theo quy định của pháp luật đối với ngân hàng thương mại (trước đây ghi là các tổ chức tín dụng). Các trường hợp XLRR cho vay đã được mở ra nhiều hơn, không trói buộc trong một số trường hợp như thay đổi chính sách NN, chủ đầu tư khó khăn một cách chung chung…

– Quy chế XLRR cho vay phải được UBND thành phố thống nhất trước khi HĐQL Quỹ quyết định ban hành. Chủ tịch Hội đồng xử lỷ rủi ro phải bao gồm 01 thành viên Hội đồng quản lý Quỹ làm Chủ tịch, 01 thành viên là Giám đốc Quỹ, 01 thành viên là Trưởng bộ phận có chức năng quản lý rủi ro và tối thiểu 02 thành viên khác do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định.

8. Thay đổi mức vốn điều lệ của Quỹ: Nghị định quy định rõ hơn về thẩm quyền và thay đổi mức vốn điều lệ của Quỹ. Trường hợp Vốn điều lệ được cấp bổ sung từ quỹ đầu tư phát triển, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

9. Phát hành trái phiếu Quỹ đầu tư phát triển địa phương: Nghị định 147 quy định riêng một Điều (Điều 37) về phát hành trái phiếu Quỹ ĐTPTĐP. Đây cũng là điểm mới để các Quỹ ĐTPTĐP có thể tiếp cận và thực hiện được.

10. Nghị định nêu một số quy định cụ thể về việc bảo toàn an toàn vốn của Quỹ ĐTPTĐP; việc Kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính hàng năm, việc Giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

11. Các trường hợp giải thể Quỹ đầu tư phát triển địa phương

Đây là một chương hoàn toàn mới tại Nghị định. Trong đó quy định các trường hợp giải thể như sau:

– Quỹ đã thành lập và hoạt động nhưng sau thời hạn 03 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành vốn điều lệ thực có thấp hơn 300 tỷ đồng.

– Quỹ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và có tỷ lệ giá trị dư nợ cho vay và đầu tư (không bao gồm các khoản nhận ủy thác cho vay) trên vốn chủ sở hữu thấp hơn 20% trong 05 năm liên tiếp.

– Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cao hơn 50% hoặc tỷ lệ các khoản nợ phải thu khó đòi trên tổng số vốn đầu tư cao hơn 80% và lũy kế chênh lệch thu – chi âm lớn hơn hoặc bằng 75% sổ vốn điều lệ thực có của Quỹ đầu tư phát triển địa phương trong 05 năm liên tiếp.

– Các trường hợp Quỹ hoạt động không hiệu quả hoặc không cần thiết phải duy trì Quỹ theo đánh giá của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

12. Về trách nhiệm của các cơ quan tổ chức liên quan: Ngoài trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tình, trách nhiệm của Bộ Tài chính, NHNNVN, Nghị định quy định thêm trách nhiệm của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội.

Trên đây là tổng hợp một số điểm mới tại Nghị định 147/2020/NĐ-CP về cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương. Toàn văn Nghị định tải Tại đây

HTV – BKS