Tin tứcTin tức

Ứng xử trên mạng xã hội

By 28/06/2021 No Comments

Ngày nay, truyền thông đã thực sự trở thành một lực lượng hết sức quan trọng trong đời sống chính trị – xã hội; làm thay đổi diện mạo cuộc sống hiện đại, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con người và tác động đến mọi khía cạnh, bình diện của xã hội. Truyền thông xã hội, nhất là mạng xã hội liên tục được nâng đỡ, hỗ trợ bởi những công nghệ mới, ngày càng tiện ích hơn, trở thành kênh quan trọng, thúc đẩy quá trình giao tiếp và kết nối xã hội. Tuy nhiên, với cơ chế lan truyền thông tin có tốc độ chóng mặt, khó kiểm soát, truyền thông xã hội đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với đời sống xã hội.

Để góp phần hạn chế những tác động tiêu cực, các hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật trên mạng xã hội, tạo điều kiện cho truyền thông xã hội phát triển đúng định hướng, phù hợp với văn hóa dân tộc, bên cạnh Luật An ninh mạng và các văn bản liên quan, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17 tháng 6 năm 2021 về việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (Bộ Quy tắc) áp dụng cho 03 nhóm đối tượng gồm:

– Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội;

– Tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội;

– Nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.

Bộ Quy tắc nhằm mục đích tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Bộ Quy tắc cũng hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

Ngoài việc phải tuân thủ bốn quy tắc ứng xử chung như: quy tắc tôn trọng, tuân thủ pháp luật; quy tắc lành mạnh; quy tắc an toàn, bảo mật thông tin và quy tắc trách nhiệm thì đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước khi sử dụng mạng xã hội cần phải lưu ý 10 nội dung sau:

1. Tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội.

2. Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.

3. Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

4. Chia sẽ hững thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy.

5. Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.

6. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép…gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

7. Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước – con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.

8. Vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.

9. Thực hiện nội quy của cơ quan, tổ chức về việc cung cấp thông tin lên mạng xã hội.

10. Thông báo tới cơ quan chủ quản để kịp thời có hướng xử lý, trả lời, giải quyết khi có những ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp uật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Về phía cơ quan nhà nước, phải có trách nhiệm quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản của cơ quan, tổ chức bị mất quyền kiểm soát hoặc bị giả mạo; cung cấp thông tin trên mạng xã hội đồng bộ, thống nhất với thông tin đã được cung cấp trên các phương tiện truyền thông chính thống khác; nên có phản hồi những ý kiến trên mạng xã hội về vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, tổ chức mình.

Ảnh mình hoạ

Việt Nam đang là một quốc gia có chính trị, xã hội ổn định và trên đà phát triển. Việc ban hành Bộ quy tắc sẽ chỉ cho cộng đồng biết chuẩn mực ứng xử trên mạng, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc họ nên ứng xử như thế nào trên môi trường Internet để có sự thấu cảm, tôn trọng nhau, là một công dân số có trách nhiệm. Tạo lập môi trường mạng lành mạnh, an toàn sẽ góp phần tích cực, hiệu quả, bảo vệ, gìn giữ môi trường chính trị, xã hội ổn định làm nền tảng cho đất nước phát triển bền vững.

L.V – Phòng TCKT