Đảng bộTin tứcTuyên truyền

Giải pháp nâng cao chất lượng công tác thi đua – khen thưởng tại Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng

By 06/11/2023 No Comments

Công tác thi đua – khen thưởng có vị trí, ý nghĩa, vai trò quan trọng, là biện pháp để người quản lý thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, chính trị của cơ quan nhằm khuyến khích, động viên mọi người hăng hái lập thành tích trong thực hiện nhiệm vụ. Mục đích của việc thi đua – khen thưởng là nhằm động viên, giáo dục, nêu gương, để sau khi được biểu dương, khen thưởng, tập thể, cá nhân được khen phát huy tính tích cực trong công việc được giao; người chưa được khen cũng thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, cần phải phấn đấu để được ghi nhận trong thời gian tới và đạt được mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan đề ra.

Ảnh (st): Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua, ái quốc

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thi đua khen thưởng: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, “công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”, “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Thời gian qua, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng đã tập trung thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, xem công tác thi đua khen thưởng là nhiệm vụ trọng tâm. Đầu mỗi năm đều tổ chức phát động thi đua, người lao động đăng ký thi đua và Quỹ đăng ký thi đua với UBND thành phố, phát động phong trào thi đua thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại kế hoạch hoạt động-kế hoạch tài chính hằng năm, tổ chức xét thi đua khen thưởng chuyên đề, thường xuyên đúng quy định và kịp thời, từ đó động viên, khích lệ người lao động trong công tác, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Kết quả công tác thi đua, khen thưởng của Quỹ thời gian gần đây được UBND thành phố ghi nhận và tuyên dương, khen thưởng  (năm 2019, 2020, 2021 Quỹ được UBND thành phố tặng Bằng Khen, năm 2022 Quỹ được Thủ tướng Chính phụ tặng Cờ thi đua Chính phủ).

Phát huy những kết quả đạt được về công tác thi đua, khen thưởng, trong thời gian tới, mỗi phòng/ban nghiệp vụ thuộc Quỹ Đầu tư phát triển thành phố thật sự phát huy, làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, bên cạnh các giải pháp khác để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ thì việc nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là “đòn bẩy”, kích thích cá nhân, tập thể hăng say hoạt động, phát huy hết tài năng của mình trong việc xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện thì cần phải thực hiện có hiệu quả một số nội dung, giải pháp cơ bản sau:

1. Phải có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong việc xây dựng và phát triển cơ quan

Đây được xem là giải pháp then chốt, quan trọng nhất và mang tính quyết định đến hiệu quả của công tác thi đua, khen thưởng mà Quỹ cần quán triệt và có biện pháp thực hiện hiệu quả. Bí thư các chi bộ trực thuộc, trưởng các phòng/ban phải tập trung triển khai thực hiện tốt việc thi đua, khen thưởng và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng; thi đua, khen thưởng phải đúng, thực chất, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất, không trọng tâm, không đúng đối tượng.

Đảng ủy Quỹ, Cấp ủy các chi bộ cần tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác thi đua khen thưởng; BCH Công đoàn, Chi đoàn Quỹ cần phối hợp vào cuộc một cách quyết liệt để công tác thi đua khen thưởng phát triển đồng bộ, sâu rộng, đạt kết quả và thường xuyên được duy trì; mỗi phòng/ban nghiệp vụ cần xác định công tác thi đua khen thưởng là nhiệm vụ chính trị quan trọng; mỗi người quản lý, người lao động cần xác định tư tưởng thi đua, phấn đấu hết mình trong từng nhiệm vụ công tác, nâng cao chất lượng công tác về mọi mặt, hoàn thiện bản thân.

2. Kiện toàn, ổn định, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng

Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng tại cơ quan đảm bảo tính ổn định, lâu dài và có kế thừa. Người lao động làm công tác thi đua, khen thưởng cần có đủ phẩm chất năng lực, kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng yêu cầu công tác. Thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nâng cao kiến thức, trình độ cho cán bộ chuyên trách về công tác thi đua, khen thưởng để làm tốt công tác tham mưu có hiệu quả. Ngoài ra, đối với người làm công tác thi đua, ngoài yêu cầu nắm vững các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ thì cần phải có lòng nhiệt tình, trách nhiệm, gần gũi với mọi người, cụ thể, tỉ mỉ trong từng công việc và đặc biệt là năng lực tổ chức để hướng cho mọi người trong tập thể phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.

3. Nâng cao nhận thức, đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi người quản lý, người lao động đối với công tác thi đua, khen thưởng

Việc nhận thức được trách nhiệm, sự nỗ lực, ý thức của mỗi người quản lý, người lao động đóng một vai trò hết sức quan trọng, bởi nó phát huy được sức mạnh của cả tập thể trong việc phấn đấu, hướng tới mục tiêu chung của cơ quan, đó là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Do đó, cơ cơ quan cần quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Ðảng, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, trong đó chú trọng tuyên truyền Luật Thi đua, khen thưởng. Qua đó, nhằm làm chuyển biến nhận thức của Viên chức quản lý, người lao động về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của chính bản thân mình đối với công tác này.

4. Tích cực, chủ động phát hiện, bồi dưỡng và nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua

Việc phát hiện, xây dựng, tôn vinh và nhân rộng nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” phải được đặc biệt coi trọng; quan tâm lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời nhằm tạo động lực và đòn bẩy phấn đấu cho người  quản lý, người lao động.

Phát hiện điển hình tiên tiến là việc làm hết sức quan trọng, đòi hỏi người trưởng phòng/ban phải đi sâu, đi sát với phong trào thi đua, tìm hiểu kỹ kinh nghiệm và thành tích tập thể, cá nhân trong phong trào thi đua. Phải thông qua phong trào thi đua để phát hiện ra những điển hình tiên tiến. Khi điển hình tiên tiến xuất hiện, dù là còn mới, còn nhỏ phải nhanh chóng bồi dưỡng điển hình ngày một hoàn thiện, hoàn chỉnh, trở thành mẫu mực để toàn cơ quan học tập.

Đề xuất khen thưởng kịp thời đối với các điển hình tiên tiến, việc khen thưởng không nhất thiết phải đến kỳ sơ kết, tổng kết phong trào mới đưa bình xét mà cần tiến hành thường xuyên, vì thực chất của việc khen thưởng có vai trò chủ yếu là động viên tinh thần, làm cho người được khen thưởng phấn khởi, khích lệ và do đó hiệu quả công việc đương nhiên sẽ tốt hơn.

5. Tổ chức sơ, tổng kết, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua

Đây là khâu rất quan trọng, không thể thiếu trong tổ chức thi đua nhằm đánh giá đúng thành tích, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Trong quá trình khen thưởng phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ từ trên xuống dưới, đảm bảo đúng nguyên tắc và đạt được các yêu cầu: Chính xác, dân chủ, kịp thời, công khai, xây dựng được tinh thần đoàn kết phấn khởi, nêu cao tính tự phê bình và phê bình, đánh giá đúng người, đúng việc, tránh chủ quan, đơn giản, tranh công, đổ lỗi. Vấn đề mấu chốt trong công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua là đúc rút tìm ra được những kinh nghiệm hay, chọn được tập thể và cá nhân tiên tiến xuất sắc, đồng thời khen thưởng đúng mức để động viên mọi người phấn đấu thực hiện tích cực hơn nữa.

Phát huy tốt vai trò của công tác thi đua, khen thưởng sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng cơ quan Quỹ Đầu tư phát triển ngày càng vững mạnh toàn diện./.

Võ Thị Hồng – Đảng viên Chi bộ 3